1. Đà Lạt trong tôi có nhiều lắm những kỷ niệm không tên. Khi lần đầu được theo ba mẹ lên miền cao nguyên đầy hoa và những ngôi biệt thự kiến trúc Pháp cổ, tôi đã làm người dì sống ở Đà Lạt mấy chục năm phì cười lúc nghe tôi hỏi: Thế cái gì là Việt Nam? Vì tôi không thấy có gì khác lạ với một thành phố phương Tây. Qua hôm sau, dì đưa tôi đến bản người Lát, cách trung tâm thành phố khỏang 10km.
Những ánh mắt rực sáng của bầy trẻ người Lát trong trang phục dân tộc sờn cũ, thân hình đen đúa khẳng khiu, tóc tai bù xù, như một ngọn lửa kỳ lạ đầy khát vọng và hoang dã đã làm tôi chợt thấy mình có gì đó “bơ sữa” quá, rất buồn cười…
|
"Thành phố hoa" Đà Lạt - Ảnh: Corbis |
Nhưng điều tôi thú vị nhất là đã “thu lượm” được vào bộ nhớ của mình những hình ảnh đẹp một Đà Lạt đầy thơ mộng của nắng, gió cao nguyên, của những ngôi nhà “Tây” và những cánh đồng hoa dại bát ngát hút tầm mắt cùng cái vẻ ngơ ngác trong nụ cười ngượng ngịu của các em bé người Lạch dưới chân núi Lang Biang…
2. Festival hoa Đà Lạt lần đầu, tôi đi cùng một đòan khách người nước ngòai tới thành phố cao nguyên. Đà Lạt không còn những hoang sơ của rêu phong trên những ngôi nhà cổ, những vệt xe ngựa trên phố nhỏ, những mảnh khói lam ngoằn nghòeo ở một khu nhà loang lổ tường đất gần chợ trung tâm. Tất cả như được khóac tấm áo mới, hào nhóang, đầy màu sắc… Con người dường như cũng kiểu cách hơn. Các em bé người Lát, người Lạch không thuần phác hồn nhiên như xưa dù mắt vẫn rực lên ánh nhìn của khát vọng.
Gương mặt chúng không có vẻ nhem nhuốc, quần áo không còn hôi hám. Chúng đã biết nói những câu chào mời mua hàng kỷ niệm bắng hai thứ tiếng “bồi” Pháp- Anh, biết cười rất tươi khi thấy khách từ đằng xa, biết níu kéo khách và liến thoắng giới thiệu sản phẩm của mình, đặc biệt biết xấu hổ khi thấy khách tỏ ý chê bộ quần áo trên người không đẹp…
Khi màn sương phủ chụp mảng xám xuống khỏang không, những dãy đèn hột vịt của các gánh hàng ăn mờ tỏ trên những bậc thang ở khu chợ Âm Phủ có cái gì đó liêu trai sương khói nhưng cũng rất đời thường, để thêm chút lãng mạn cho những tâm hồn ẩm thực “phàm phu tục tử”.
Các món ăn dân dã từ ly sữa đậu nành nóng bỏng môi đến mấy cái bánh tráng quết dầu hành béo ngậy gìon tan, mấy miếng mực nướng dai ngọt thơm khói khen khét cùng một tô ốc hấp gừng nóng cay xộc mũi…Đêm về lại bâng khuâng với câu hỏi như bao lần trước:”Thế cái gì là Việt Nam”?
3. Lần này tôi lên Đà Lạt cùng một đòan khách “đa quốc tịch” sau Festival hoa và Tết Nguyên Đán 2008. Sáng sớm sương đọng như kim cương trên lá cỏ, chiều xuống sương lãng đãng nhẹ thả từng vệt tím xám mờ. Thi thỏang cơn mưa chợt ghé rất nhanh rồi đi qua để lại khí lạnh ẩm ướt. Trời cao nguyên trong vắt, không khí se se, nắng như mật vàng, những thảm hoa như đang cố rướn mình phô hết vẻ đẹp cuối cùng dâng hiến, để rồi khép mình ươm mầm hạt hẹn mùa sau.
Đà Lạt thay đổi quá nhanh chỉ sau chưa đầy nửa năm gặp lại. Thành phố hoa như được chia ra hai nửa, một bên là “đại công trường” tòan những bêtông, sắt thép ngổn ngang cho những cao ốc khách sạn chuẩn bị mọc lên, một bên là những dãy nhà lộng lẫy trang trí kính màu lấp lánh sang trọng, và vô vàn những biệt thự, vila xinh xắn với hàng chữ bên ngòai “for rent”- cho thuê.
Trở lại cao nguyên Lang Biang, thăm cái làng xưa của người Lát, hàng chục đứa trẻ đổ xô ra, nhỏ thì lẫm chẫm đi, lớn độ chừng 10-12 tuổi, không thấy cha mẹ, mà hình như các em không đi học, vì hôm chúng tôi đến, giờ đó là giờ học sinh ở trường? Vẫn những ánh mắt rực sáng cháy bỏng niềm khát vọng như có lửa, vẫn màu da thẫm như màu đất bazan, vẫn tóc xoăn tít nâu cháy bùm xùm…
Nhưng khác xưa nhiều quá, chúng láu lỉnh biết tránh ống kính camera trước khi khách du lịch bỏ vào tay chúng vài tờ tiền lẻ. Còn nếu nhanh tay bấm được một kiểu thì chúng lẵng nhẵng theo đòi tiền bằng được. Buồn quá. Không biết vì du lịch đã làm “hư” bọn trẻ hay vì thời “kinh tế thị trường”, “hội nhập tòan cầu” … mà trẻ con dân tộc cũng biết “kinh doanh” bản sắc văn hóa của mình?
Những danh thắng của Đà Lạt cũng mất hết vẻ hoang sơ bởi sự can thiệp thô vụng của con người. Không biết những con thác hùng vĩ réo rắt âm thanh của nước giữa đại ngàn, những mặt hồ êm ả trong xanh in sắc mây trời cao nguyên vời vợi, những đồi thông vi vu tấu bản giao hưởng của gió và những thung lũng như trải thảm cỏ mượt như nhung cho những đôi tình nhân làm thơ tình tự… có cảm thấy “đau” không khi bị “sửa sang” nhan sắc, thêm bớt, cắt tỉa, ngăn đọan ngắt dòng…
Tới những nơi này, hương sắc thiên nhiên đã bị các mùi vị của “fast foot”, tiếng rao của các hàng quà kỷ niệm và đội quân bán hàng rong vây bọc, chưa kể người ta còn khai thác đến cạn kiệt những gì có thể sinh lợi ở mấy nơi này. Thương lắm thác ơi, hồ ơi, đồi thông, thung lũng ơi…!”Thế cái gì là Việt Nam” sẽ như thế nào để tồn tại trong thời hội nhập? Tôi lại bâng khuâng với câu hỏi.
4. Đà Lạt vẫn quyến rũ cho dù có mai một đi nhiều những bản sắc riêng của cao nguyên huyền thọai, vẫn dấu trong mình một nét duyên không nơi nào có được, nét duyên “muôn năm cũ” mà say đắm biết bao trái tim. Dường như ở Đà Lạt việc gì cũng khoan thai, chậm rãi, vào tiệm, quán, hay nhà hàng xin cứ nhẩn nha uống tạm chén trà nóng, chờ người phục vụ mang thức ăn uống, thời gian ăn nhanh hơn thời gian đợi.
Đà Lạt là nơi để nghỉ ngơi, có phải vì thế mà những dịch vụ văn hóa đọc, thông tin ở thành phố này “hơi bị” ít. Nhà sách chưa đếm hết số ngón tay một bàn tay. Báo chí như hàng “xa xỉ phẩm”, giá cả gần gấp đôi giá gốc, ai thích thì mua không thắc mắc. Internet, wifi là của hiếm, các tiệm café sang trọng rộng rãi dầy đặc cả dãy phố ở trung tâm nhưng để tìm một nơi có wifi hay internet check email thì cứ việc đi mỏi chân rồi ngồi nghỉ uống café.
|
...đi mỏi chân rồi ngồi nghỉ uống café - Ảnh: khacdung.vnweblogs.vn |
Đến Đà Lạt, vào các quán café, nhà hàng và thậm chí cả một nơi tưởng chừng “Việt Nam” nhất là “Đà Lạt sử quán” của doanh nghiệp tranh thêu XQ, luôn có một không khí lãng đãng mơ hồ của một nước Pháp xa xôi, qua giai điệu lãng mạn của các bản nhạc Pháp từ những thập niên 1960-1970. Những tình khúc Pháp La plus belle pour aller dancé, Tout L’Amour, Bang Bang, Donna, Le temps de l’amour…cứ như những dòng suối nhỏ êm ả và len lỏi trôi miên man trong cái lạnh ngọt ngào.
Nhưng nhạc Trịnh thì gần như không quán nào không có, kể cả quán ăn. Không có thời khắc nào là dành riêng và không phải là “độc quyền” của “café Tùng” nổi tiếng ở Đà Lạt như trước đây. Chiều xuống, đêm về, trong một góc quán nhỏ ấm cúng, nhìn sương rơi mờ ảo qua khung cửa kính, bên ly café, nghe nhạc Trịnh cứ ngỡ những hòai niệm của một thời chưa xa tràn về, như tiếc nuối âm thầm, lại như tự nhủ hãy để thời gian mang đi…
Ướt mi, Diễm xưa, Như cánh vạc bay, Nắng thủy tinh, Hạ trắng, Phôi pha,... hình như không có tuổi để mãi ẩn sâu, đọng trong hồn người. Có lẽ khi rời Đà Lạt, những giai điệu của nhạc Trịnh cho tôi nhiều nỗi bâng khuâng nhất khi nhớ về thành phố này.
5. Đà Lạt được ví là thành phố hoa, vương quốc của hoa ở Việt Nam thì đúng hơn. Hoa không chỉ trong những khu nhà vườn hiện đại với các lòai hoa mang “quốc tịch” nước ngòai đầy kiêu sa diễm kiều, hoa còn tràn ra cả các lối đi, hàng rào quanh các ngôi nhà… Đâu đâu cũng hoa, màu sắc không theo trật tự nào, như một bức tranh tùy hứng của người họa sĩ phóng túng vung vẩy cây cọ màu quệt những mảng sắc đậm nhạt khác nhau.
|
"Immortell" - Hoa bất tử - Ảnh: doimongmo.com.vn
|
Nhưng có một thứ hoa của Đà Lạt được mang tên “Immortell”- Hoa bất tử, cành cứng, hoa sắc tím nhạt, đến khô cành vẫn giữ nguyên màu, hoa có thể cắm mãi trong bình không cần nước. Bâng khuâng tôi nghĩ về cao nguyên và con người Đà Lạt, tại sao không lấy biểu tượng là “Hoa bất tử” mà lại lấy loài hoa “Mimosa” xa lạ kia để nói về Đà Lạt như một ca khúc thường được hát khi nói về thành phố này.
Đà Lạt như cây hoa bất tử, có gốc từ lòai hoa dại trong rừng, cứng cáp, giản dị, nhưng sức sống mãnh liệt và trên hết nó lại là lòai hoa đẹp, không kén chọn bất kỳ cảnh quan nào, có thể hiện diện trong một phòng khách sang trọng, một tiền sảnh lộng lẫy của khách sạn, hay một căn phòng nhỏ, một bàn học xinh xinh…
Đà Lạt, bâng khuâng hoài một câu hỏi từ ngày xưa: "Thế cái gì là Việt Nam?" , vẫn cứ ám ảnh tôi khi tạm biệt trở về thành phố.
|